Categories: Tin tức

Thiết bị số, điện tử gia dụng nhắm đến thị trường nông thôn

Dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, người tiêu dùng phải “thắt lưng buộc bụng”, thế nhưng, các chuyên gia kinh tế cho rằng trong năm 2012, DN kinh doanh những sản phẩm như tivi, laptop, điện thoại di động… vẫn tìm được cơ hội lớn tại thị trường nông thôn Việt Nam.

Người Việt liên tục “thắt lưng buộc bụng”

Tại sự kiện CEO World Forum diễn ra tại Hà Nội giữa tháng 1/2012, ông Ralf Matthaes – Giám đốc điều hành Khu vực Đông Nam Á, Công ty Nghiên cứu thị trường TNS (Mỹ) cho rằng, 3 năm qua nhất là trong năm 2011, kinh tế khó khăn, sự gia tăng lạm phát xấp xỉ ở mức cao khiến cho người tiêu dùng Việt Nam phải chịu sức ép lớn của thời giá, phải cắt giảm mạnh chi tiêu đối với các sản phẩm như điện tử gia dụng, laptop…

Trong thực tế, đánh giá của đại diện TNS cũng trùng với nhận định của một số công ty nghiên cứu thị trường đưa ra gần đây. Như kết quả khảo sát do Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen công bố hồi cuối năm 2011 cũng cho thấy, để tiết kiệm sinh hoạt phí, 48% người Việt Nam khẳng định sẽ phải dừng mua sắm, nâng cấp các sản phẩm điện tử, máy tính, điện thoại di động.

Khi Nielsen đưa ra kịch bản “nếu ngân sách gia đình bị giảm 10%” thì người tiêu dùng Việt Nam cho rằng hàng điện tử gia dụng sẽ nằm trong “top 3” nhóm “được ưu tiên” cắt giảm nhiều nhất (chiếm 14%), đứng sau hai nhóm trang phục (21%) và đi ăn hàng (18%). Ngoài ra, để tiết kiệm sinh hoạt phí, thì 49% người Việt Nam cho biết sẽ cắt giảm chi phí điện thoại và 48% hoãn nâng cấp các sản phẩm như đồ điện tử, máy tính, điện thoại di động.

Cùng đó, theo đánh giá về xu hướng tiêu dùng chính ảnh hưởng đến cuộc sống của người Việt trong năm 2012 do Công ty Nghiên cứu thị trường Định hướng (FTA) đưa ra mới đây thì người tiêu dùng, nhất là ở những đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng cho rằng họ vẫn phải chịu ảnh hưởng trực tiếp của lạm phát đến đời sống. Khi sống trong thời kỳ “bão giá”, người tiêu dùng buộc phải cắt giảm chi tiêu ở nhiều nhóm ngành hàng không thuộc nhu yếu phẩm (như hàng điện tử, thiết bị công nghệ…) do các mặt hàng này luôn “ngốn” một khoản ngân sách lớn của đa số các gia đình.

“Minh chứng rõ ràng về sự cắt giảm chi tiêu đó là nếu như 2 – 3 năm trước, vào mỗi dịp Tết Nguyên đán là sức tiêu thụ hàng điện tử trong nước rất lớn, nhiều mặt hàng như tivi LCD giá dưới 7 triệu đồng thường xuyên cháy hàng. Thế nhưng, Tết 2012 câu chuyện đó không xảy ra, qua Tết vẫn còn rất nhiều hàng tồn. Dù có ý kiến nhận định là năm nay các nhà cung cấp tung ra lượng sản phẩm lớn hơn, tuy nhiên về cơ bản thì có thể khẳng định do khả năng tài chính hạn hẹp, người tiêu dùng đã cắt giảm mua sắm”, một chuyên gia về thị trường bày tỏ.

 

Thị trường thiết bị điện tử gia dụng đô thị đã bão hòa.

Nên chú trọng thị trường nông thôn

Trước bức tranh thị trường có phần “ảm đạm” nói trên, trao đổi với phóng viên báo BĐVN tại CEO World Forum, ông Ralf Matthaes đến từ Công ty Nghiên cứu thị trường TNS cho rằng trong năm 2012 vẫn còn có rất nhiều cơ hội cho các DN kinh doanh thiết bị điện tử gia dụng, laptop, điện thoại phát triển.

Cụ thể hơn, TNS dẫn ra kết quả của một cuộc khảo sát do công ty này thực hiện mới đây là danh sách các thiết bị mà người tiêu dùng muốn sở hữu trong năm 2012, bao gồm: máy tính xách tay (33%), máy giặt (32%), máy ảnh kỹ thuật số (24%), dàn karaoke (21%), ti vi Plasma/LCD (20%), máy tính để bàn (14%) và tivi thông minh (14%).

Vì thế, ông Ralf Matthaes khuyến cáo các DN kinh doanh thiết bị điện tử gia dụng, kỹ thuật số cần đặc biệt chú ý đến sự khác biệt giữa yếu tố vùng miền của thị trường, giữa đô thị – nông thôn, bởi trong khi với hầu hết gia đình ở đô thị đã sắm các thiết bị nói trên thì nhiều người tiêu dùng ở khu vực nông thôn vẫn cần mua sắm chúng trong thời gian tới. “Việt Nam là quốc gia có tới 70% dân số sống tại nông thôn. Bởi vậy, các nhà sản xuất phải nghiên cứu, chú trọng tới thị trường này nhằm đem lại nhiều cơ hội phát triển trong năm 2012”, ông Ralf Matthaes nhấn mạnh.

 ICTNews