Theo số liệu của cơ quan thanh tra của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, hiện tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm ở Việt Nam vào khoảng 80%, khá cao so với các nước trong khu vực và thế giới. Do đó các cơ quan chức năng nỗ lực thanh tra để giảm tỉ lệ này xuống còn 70% trong những năm tới.
Tuy nhiên, việc thanh tra có thể xem là một biện pháp đốc thúc, nhắc nhở hơn là tìm lỗi để xử phạt, vì các kế hoạch thanh tra đã được thông báo rộng rãi. Thậm chí, trước khi thực hiện kế hoạch thanh tra việc sử dụng phần mềm có bản quyền trên diện rộng, cơ quan chức năng đã gửi công văn thông báo đến một số doanh nghiệp, tổ chức để các đơn vị này có thể trang bị (mua) phần mềm có bản quyền để sử dụng, tránh tình trạng bị phạt khi cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra mà vi phạm bản quyền phần mềm.
Vào năm 2015, đoàn thanh tra liên ngành gồm Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ( BVHTTDL) phối hợp với Cục Cảnh sát Phòng chống Tội phạm sử dụng Công nghệ cao C50 ( Bộ Công An) đã bắt đầu triển khai các đợt thanh tra trên toàn quốc đối với các doanh nghiệp nghi sử dụng phần mềm không bản quyền. Sau chiến dịch kéo dài một tháng này, tổng cộng 8 cuộc kiểm tra đã được thực hiện tại các doanh nghiệp, với giá trị phần mềm lậu bị phát hiện lên đến hơn 13,5 tỷ đồng.
Một số doanh nghiệp nằm trong chiến dịch thanh tra lần này gồm Công ty TNHH Sản xuất Khuôn đúc Chin Chen Fuh Việt Nam, có trụ sở tại Cụm Công nghiệp Long Định, Huyện Cần Đước, Tỉnh Long An; Công ty TNHH Asia Pacific Plastic, trụ sở tại Khu CN Đức Hòa 1, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An; Công ty TNHH Zongshen Motor Vietnam, trụ sở tại khu CN Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội và các doanh nghiệp khác.
Cũng trong đợt thanh tra tại 6 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hoạt động trong lĩnh vực sản xuất tại TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương và Bến Tre trong ngày 27-6 cho thấy, kiểm tra 247 máy tính mà các doanh nghiệp này đang sử dụng cho mục đích vận hành kinh doanh, đoàn thanh tra liên ngành đã phát hiện hơn 500 phần mềm bất hợp pháp. Trong đó chủ yếu là các phần mềm văn phòng phổ biến của Lạc Việt, Microsoft và các phần mềm chuyên dụng cho thiết kế của Adobe, Autodesk, có giá trị ước tính khoảng 6,5 tỷ đồng.
Đại diện của 6 doanh nghiệp đã ký vào biên bản thanh tra, thừa nhận vi phạm và hứa gỡ bỏ tất cả các phần mềm không phép cũng như sẽ hợp thức hóa toàn bộ các phần mềm sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Trước đó, vào đầu tháng 6-2016, đoàn thanh tra liên ngành cũng đã kiểm tra việc sử dụng bản quyền phần mềm tại 3 doanh nghiệp FDI ở TP.Hồ Chí Minh, Bến Tre và đã phát hiện số lượng phần mềm không bản quyền ước tính hơn 2 tỷ đồng. Như vậy, chỉ tính trong tháng 6-2016, đoàn thanh tra liên ngành đã tiến hành thanh tra và phát hiện hàng trăm phần mềm bất hợp pháp, có giá trị ước tính khoảng trên 8,5 tỷ đồng.
Theo Thanh tra Bộ VHTTDL, từ năm 2006 -2015, đoàn thanh tra liên ngành đã tiến hành thanh tra đột xuất 541 doanh nghiệp trên cả nước và số máy tính được kiểm tra là 27.602 máy, phát hiện hành vi sao chép tác phẩm phần mềm máy tính mà không được phép của chủ sở hữu. Đoàn thanh tra liên ngành đã lập biên bản vi phạm hành chính và ban hành 499 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền nộp vào ngân sách Nhà nước là 8,6 tỷ đồng, chuyển 1 hồ sơ sang cơ quan điều tra. 41 doanh nghiệp chấp hành đúng quy định của pháp luật về SHTT.
Qua công tác thanh tra, Đoàn thanh tra liên ngành nhận thấy, các doanh nghiệp đã có ý thức hơn trong việc sử dụng, quản lý phần mềm máy tính hợp pháp, đồng thời cũng đã xây dựng kế hoạch hàng năm mua phần mềm máy tính để phục vụ các hoạt động của công ty. Ông Trần Văn Minh, Phó Chánh thanh tra Bộ VHTTDL cho biết: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường các công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm minh những đối tượng có hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan, trong đó có phần mềm máy tính. Những trường hợp vi phạm qui mô lớn, sẽ xem xét để xử lý hình sự, đặc biệt là những vi phạm trong lĩnh vực phần mềm máy tính”.
Cũng theo chia sẻ của ông Minh, vào ngày 4-2-2016, Việt Nam đã ký kết văn kiện trở thành thành viên chính thức của Hiệp định TPP bao gồm 12 nước thành viên. Một lĩnh vực mà TPP đặc biệt quan tâm, chú trọng là bảo hộ, thực thi quyền SHTT. Trong đó, có có nội dung kéo dài thời hạn bảo hộ quyền tác giả lên là 70 năm và thực thi quyền bao gồm cả khả năng bị truy tố hình sự. Có thể nói TPP đề ra những tiêu chuẩn cao nhất về bảo hộ SHTT. Những tiêu chuẩn này còn chặt chẽ hơn cả quy định của WTO, mà nếu không tuân thủ thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Điều này đặt ra những thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam buộc phải tuân thủ nghiêm ngặt hơn các điều luật về SHTT và cần có những bước chuẩn bị về tài chính, về nhân lực và về kỹ thuật để khi hội nhập TPP, chúng ta tránh được các rắc rối khiếu kiện có thể xảy ra.
Theo đánh giá của BSA, trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều hoạt động tuyên truyền hiệu quả kết hợp với các hoạt động thực thi quyết liệt để bảo hộ quyền SHTT trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là phần mềm máy tính. Những nỗ lực này đã được chứng minh khi Việt Nam đạt được con số giảm 3% ấn tượng về tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm máy tính từ 81% năm 2013 xuống còn 78% năm 2016. Tuy nhiên, con số 78% vẫn còn cao so với khu vực và thế giới, đòi hỏi Việt Nam cần phải tiếp tục nỗ lực để giảm tỷ lệ sử dụng phần mềm “lậu” xuống mức trung bình.
Ông Tarun Sawney, Giám đốc cao cấp khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của BSA chia sẻ: “Chúng tôi đánh giá rất cao tính hiệu quả và quyết liệt của hoạt động thực thi quyền SHTT của Chính phủ Việt Nam thông qua Chương trình 168, chương trình phối hợp hành động phòng và chống xâm phạm quyền SHTT gồm 9 bộ ngành. Chúng tôi tin tưởng rằng với những nỗ lực và chiến lược đúng đắn, Việt Nam sẽ thực hiện được những cam kết quốc tế về SHTT. BSA sẽ không ngừng hỗ trợ mọi hoạt động của Bộ VHTTDL và Cục Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an cùng thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm tại Việt Nam”.
Tổng hợp: Báo đầu tư, CAND