Những cách tốt nhất để chạy Windows trên máy Mac

Dù gần đây máy Mac đã tăng thêm thị phần, Windows vẫn là hệ điều hành có ưu thế hơn, nhất là trong các doanh nghiệp. Nghĩa là có lúc người dùng Mac phải cần đến hệ điều hành của Microsoft.

Có thể là ứng dụng mà công ty bạn dùng chỉ có thể dùng được trên Windows, hay bạn là một nhà phát triển và cần phải thử nghiệm trang web của mình trong một trình duyệt web Windows sẵn có. Hay có thể bạn muốn chơi game trên máy tính không dành cho Mac OS X. Dù bạn dùng Windows vì lý do gì, có nhiều cách để máy Mac của bạn thực hiện được việc này.

Nếu chỉ cần chạy một ứng dụng Windows, bạn có thể dùng ứng dụng CrossOver mà không cần phải cài đặt cả hệ điều hành (HĐH) Windows.

Nếu cần phải cài đặt Windows đầy đủ, phức tạp hơn, bạn vẫn còn có nhiều tùy chọn khác. Bạn có thể dùng ứng dụng Boot Camp riêng của Apple, cho phép cài đặt Windows vào một phân vùng riêng của ổ đĩa cứng. Hay bạn có thể cài đặt một trong 3 chương trình ảo hóa của hãng thứ ba là Parallels Desktop 7, VMware Fusion, hay VirtualBox. Các chương trình này cho phép bạn chạy Windows (hay một HĐH khác) như thể đang chạy một ứng dụng OS X khác.

Trong số 4 tùy chọn trên, Boot Camp có hiệu năng tốt nhất. Máy Mac của bạn sử dụng được toàn bộ tài nguyên để chạy Windows. Nhưng bạn phải khởi động máy lại để dùng Boot Camp, nên không thể dùng nó cùng lúc với Mac OS X. Điều đó có nghĩa là bạn chỉ chạy Mac hay Windows, chứ không phải cả hai cùng lúc. Còn ứng dụng VirtualBox thì miễn phí, nhưng quá trình cài đặt khá phức tạp, đôi khi dùng rất chán vì ứng dụng này thiếu những công cụ bạn cần. Như vậy còn lại ứng dụng Parallels Desktop và VMware Fusion là hai lựa chọn tốt nhất.

Các phiên bản mới nhất của Fusion và Parallels Desktop hầu như không khác nhau về hiệu năng (ngoại trừ vài trường hợp). Nên thay vì chọn một ứng dụng theo hiệu năng của nó, bạn có thể tùy chọn theo các yếu tố khách quan hơn. Trọng tâm chủ yếu là dùng các chương trình này để chạy Windows trên máy Mac. Dĩ nhiên, bạn có thể dùng chúng để chạy các HĐH khác, kể cả Mac OS X Lion.

Hiệu năng tổng quát

Theo ghi nhận, cả hai chương trình Parallels Desktop và Fusion đều hoạt động tốt khi dùng để chạy Windows 7 trên máy Mac. Thử nghiệm chạy cả 2 chương trình qua phần mềm WorldBench 6, và kết quả gần giống nhau. Nói chung, VMware Fusion nhỉnh hơn Parallels Desktop một chút (113 so với 118 điểm, có nghĩa là Fusion nhanh hơn 18% so với một hệ thống cơ sở lý thuyết, Parallels Desktop nhanh hơn 13%). Parallels Desktop nhanh hơn Fusion trong vài thử nghiệm riêng, Fusion nhanh hơn trong các thử nghiệm khác, trong các thử nghiệm còn lại không có khác biệt nào lớn.

 

 

WorldBench 6 sử dụng các kịch bản thử nghiệm tự động hóa và 8 ứng dụng khác nhau để giả lập mức sử dụng thực sự của một hệ thống. Thử nghiệm được thực hiện với toàn bộ các phép đo nhiều lần, sau đó lấy kết quả trung bình cộng. Về đánh giá của WorldBench, càng cao điểm càng tốt.

Tất cả các kết quả khác được tính bằng giây; càng thấp càng tốt. Kết quả tốt nhất được in đậm. Các thử nghiệm được thực hiện trên máy MacBook Pro 4 nhân i7 2,2GHz 17-inch sản xuất năm 2011 có 4GB RAM chạy OS X Lion 10.7.1; cả hai máy ảo Virtual Machine được cấu hình để sử dụng ổ đĩa 200GB, 1724MB RAM và 4 BXL.

Phân tích cặn kẽ các con số này, bạn sẽ thấy cả 2 đều có khả năng chạy Windows nhanh trên máy Mac.

Lợi thế: Không có chương trình nào (hoặc cả 2)

Hiệu năng cụ thể

Dù cả 2 chương trình không có khác nhau nhiều về hiệu năng sử dụng tổng quát, nhưng trong 3 trường hợp chúng có khác biệt rõ hơn.

Trường hợp thứ nhất là chơi game. Nếu bạn muốn chạy Windows trong một máy ảo để chơi những game không chơi được trên máy Mac, bạn sẽ phải dùng đến Parallels Desktop 7. Trong thử nghiệm, chương trình này hoạt động tốt hơn Fusion, nhất là đối với các game mới hơn. Lý do là Parallels hỗ trợ đến 1GB VRAM (Video RAM), so với chỉ có 256MG trong Fusion. Parallels Desktop cũng hỗ trợ DirectX tốt hơn; có 1 game thử nghiệm trông đẹp hơn với Parallels dùng DirectX, nhưng rất tệ trong Fusion. Vấn đề này có thể giải quyết được nếu chuyển sang OpenGL trong Fusion, nhưng không phải tất cả các game đều có tùy chọn này.

 

Game đua xe BMW chạy tuyệt vời trong Parallels với tỷ lệ khung hình cao và âm thanh không bị lặp.

 

Nói chung, công cụ 3D của Parallels Desktop có vẻ hoạt động tốt hơn để chơi game trong Windows so với công cụ của Fusion. Do đó, nếu sở thích của bạn là chơi game, bạn nên dùng Parallels.

Lợi thế: Paralles Desktop.

Linux với đồ họa tăng tốc

Khác biệt lớn thứ nhì giữa 2 chương trình là chỉ có Parallels là có đồ họa 3D tăng tốc trong máy ảo Linux, nên nếu bạn cần tính năng này thì bạn sẽ phải dùng đến Parallels.

Lợi thế: Parallels Desktop.

Explorer ảo

Khác biệt lớn thứ ba: Nếu bạn muốn khám phá các HĐH khác Windows, Fusion có nhiều chọn lựa hơn. Cả 2 chương trình đều hỗ trợ các “công cụ ảo” (virtual appliances). Đó là những HĐH được cấu hình sẵn, có thể tải xuống được, thường có kết hợp những ứng dụng cụ thể. Thư viện công cụ của VMware rất lớn, với hơn 1.900 công cụ. Trái lại, thư viện của Parallels Desktop chỉ có 98 công cụ. (Desktop có thể dùng công cụ của VMware, nhưng trước hết phải được chuyển đổi sang định dạng Parallels. Không nên tin tưởng chương trình Desktop có khả năng thực hiện chức năng này, nếu nó tùy thuộc vào hệ sinh thái VMware). Nếu bạn muốn khám phá thế giới các HĐH và các ứng dụng, Fusion là chương trình thích hợp.

Lợi thế: Fusion.

Chúng ta đã thấy rõ chương trình nào có lợi thế hơn trong lĩnh vực nào. Sau đây là những tiêu chuẩn khách quan hơn để so sánh.

Giá bán và bản quyền

Thường thì Fusion và Parallels Desktop có giá 80 USD (~1,68 triệu đồng), nhưng giá của cả hai chương trình đang thay đổi. Thí dụ, VMware hiện đang bán Fusion với giá khuyến mãi 50 USD (~1,05 triệu đồng). Trong khi đó, Parallels sẽ bán phiên bản Desktop 7 nâng cấp cho chủ sở hữu các phiên bản cũ hơn với giá 50 USD; nếu bạn hiện đang dùng Fusion, Parallels sẽ bán Desktop 7 cho bạn với giá 30 USD (~630.000 đồng). Dù số tiền bạn phải trả cho một chương trình ảo hóa là bao nhiêu, hãy nhớ là bạn cũng phải tính vào giá của HĐH Windows nữa.

Sau những giá nêu trên, có một chi phí cao mà chúng ta không thấy: bản quyền phần mềm. Bản quyền của Fusion (cho người dùng không phải là doanh nghiệp) cho phép bạn cài đặt và sử dụng chương trình trên bất kỳ máy Mac nào bạn sở hữu hay kiểm soát. Ngược lại, Parallels Desktop yêu cầu mỗi máy phải có bản quyền, và phải kích hoạt để được kiểm tra số nhận dạng bản quyền phần mềm (serial number). Do đó, nếu bạn muốn chạy chương trình ảo trên nhiều máy Mac, Fusion thật sự ít tốn phí hơn.

Lợi thế: Fusion (tạm thời).

Cài đặt và hoạt động tổng quát

Cài đặt Fusion 4 cực kỳ đơn giản: Bạn chỉ cần kéo thả chương trình vào bất kỳ thư mục nào bạn muốn. Không cần phải chạy trình cài đặt, và bạn có thể lưu giữ chương trình ở đâu cũng được. Khi lần đầu khởi chạy Fusion, chương trình sẽ hỏi mật khẩu quản lý của bạn và kích hoạt các chương trình bổ sung. Nhưng các chương trình bổ sung này không bị giấu đi trong thư mục hệ thống cấp thấp nào đó, nơi mà bạn sẽ chẳng bao giờ tìm thấy được. Ngược lại, các chương trình này vẫn nằm trong gói ứng dụng Fusion và tự động kích hoạt khi khởi chạy các lần sau.

Quan trọng hơn nữa là, các chương trình này được bỏ kích hoạt khi bạn thoát Fusion. Thực vậy, khi bạn thoát Fusion, trừ phi bạn muốn để lại trình đơn ứng dụng Windows trong trình đơn máy Mac của bạn, tuyệt đối không còn ứng dụng nào của Fusion còn chạy cả. Thiết lập này cũng giúp gỡ bỏ chương trình dễ dàng, chỉ cần kéo ứng dụng vào thùng rác là xong. Một chương trình phức tạp như Fusion, cài đặt và gỡ bỏ dễ dàng, là một thành quả lớn.

Trái lại, Parallels được cài đặt qua một trình cài đặt, các chương trình bổ sung của nó được cài đặt trong thư mục System và luôn luôn hiện diện, ngay cả khi Desktop không hoạt động. Ngoài ra, các quy trình nền tiếp tục chạy sau khi bạn thoát Parallels. Các quy trình này không làm tốn RAM hay công suất CPU, nhưng chúng vẫn ở đó.

Lợi thế: Fusion.

Tùy chọn và các thiết lập máy ảo

Cả hai chương trình đều có nhiều tùy chọn thiết lập. Parallels Desktop có nhiều tùy chọn hơn, và do đó có màn hình tùy chọn phức tạp hơn. Khung tùy chọn của cả hai chương trình đều được sắp xếp hợp lý, có phân loại rõ ràng các thiết lập khác nhau. Parallels có khuyết điểm là chương trình này mặc định tự động đăng ký bạn vào Chương trình Trải nghiệm Khách hàng Customer Experience Program của hãng, nhằm thu thập dữ liệu mức sử dụng ẩn danh. Bạn có thể hủy đăng ký bằng cách vô hiệu hóa nó trong phần Advanced của Preferences. Fusion có một chương trình tương tự như thế, nhưng bạn phải đăng ký chứ không phải hủy đăng ký.

 

Fusion (bên trái) và Parallels (bên phải) hơi khác nhau về cách trình bày cửa sổ tùy chọn.

 

Về cách thay đổi thiết lập cho máy ảo, hai chương trình này hơi khác nhau về phương pháp. Parallels Desktop dùng một cửa sổ nổi độc lập với máy ảo đang được cấu hình, giúp bạn dễ dàng chuyển từ thiết lập sang máy ảo, nhưng cũng dễ mất dấu cửa sổ thiết lập nếu bạn nhấp chuột vào một cửa sổ khác để nó hiển thị lên nền trước.

Trái lại, Fusion làm mờ máy ảo, và cho hiển thị một cửa sổ cố định ở giữa màn hình, nằm phía trên máy ảo. Cửa sổ thiết lập này bắt chước cửa sổ System Preferences, trong khi đó Parallels dùng cách trình bày thẻ và danh sách. Người dùng có thể thích cách này hơn cách kia, nhưng cả hai cách đều hoạt động khá tốt.

Lợi thế: Không có chương trình nào (hay cả hai).

Cửa sổ trong cửa sổ

Cả hai chương trình có thể dùng trong chế độ “tích hợp”, có nghĩa là các ứng dụng Windows không chỉ hạn chế trong một cửa sổ Windows duy nhất mà chúng có thể xuất hiện song song trong giao diện người dùng về mặt đồ họa của OS X với các chương trình Mac. VMware gọi chế độ này là Hợp nhất (Unity) và Parallels gọi đó là Kết dính (Coherence).

Trong chế độ này, cả hai chương trình có vẻ xem các cửa sổ này như thể chúng là các ứng dụng bình thường của Mac. Nhưng có một chút khác biệt là Parallels Desktop thực sự xem các cửa sổ của ứng dụng Windows là một, dù chúng hiển thị riêng biệt. Bạn có thể thấy được điều này nếu bạn kích hoạt Mission Control trong OS X Lion: Bất kể bạn đang chạy bao nhiêu ứng dụng Windows, tất cả các ứng dụng này đều được gộp lại trong một hạng mục Parallels Desktop. Điều này có nghĩa là giữa những thứ khác, nếu bạn dùng một tiện ích quản lý cửa sổ, nó có thể hoạt động không chính xác.

 

Fusion (bên trái) và Parallels (bên phải) xử lý cửa sổ của ứng dụng Windows theo cách khác nhau khi chạy trong chế độ tích hợp riêng của chương trình.

 

Trái lại, Fusion xem mỗi ứng dụng Windows như một cửa sổ từ bất kỳ ứng dụng OS X. Hệ thống xem chúng thật sự riêng biệt nhau. Nếu bạn mở Mission Control trong khi sử dụng Fusion, mỗi ứng dụng Windows đang chạy đều có riêng hạng mục của nó.

Nếu bạn thích xem máy ảo của bạn là một thực thể duy nhất, có thể bạn sẽ thích dùng chế độ Coherence của Parallels Desktop. Nhưng nếu bạn gặp khó khăn khi dùng chế độ tích hợp, có thể bạn sẽ muốn các ứng dụng Windows hoạt động như các ứng dụng Mac của bạn. Trong trường hợp này cách Fusion xử lý cửa sổ có vẻ hợp lý hơn.

Lợi thế: Fusion.

Phiên bản cập nhật

Các chương trình có mức độ phức tạp như thế này đòi hỏi phải được thường xuyên cập nhật; lúc nào cũng có tính năng này để thêm vào hay lỗi kia phải được sửa. Tuy nhiên, 2 hãng có cách cập nhật khác nhau. Parallels Desktop phát hành cập nhật nhanh chóng, nên người dùng có các tính năng và sửa lỗi càng nhanh càng tốt. Chu kỳ cập nhật của Fusion chậm hơn. Cả hai chương trình hiện có tính năng cập nhật trong ứng dụng, nên việc cập nhật đã trở nên đơn giản hơn trước.

Phương pháp cập nhật nào tốt hơn, thường xuyên cập nhật quy mô nhỏ hay thỉnh thoảng cập nhật quy mô lớn hơn? Việc này tùy thuộc bạn; có người thích luôn có tính năng và sửa lỗi mới nhất, trong khi những người khác thích thời gian giữa các lần cập nhật lâu hơn. Dù sao, điều quan trọng là cả 2 hãng đều tích cực cập nhật sản phẩm của họ.

Lợi thế: Không có chương trình nào (hay cả hai).

Kết quả

Vậy bạn sẽ chọn mua giải pháp ảo hóa nào? Theo so sánh, Fusion vượt trội hơn (4 thắng, 2 thua và 3 hòa). Nhưng bạn có thể đặt ưu tiên các tính năng trên khác. Đó là lý do bạn nên tải phiên bản dùng thử của mỗi chương trình và xem mỗi chương trình đáp ứng nhu cầu tiêng của bạn như thế nào. Cả hai chương trình đều hoạt động tuyệt vời trong môi trường Windows, nên bạn sẽ không thất vọng về tốc độ của cả 2. Thay vào đó, việc chọn lựa là tùy cảm giác của bạn, một yếu tố khó đo. Và do đó, không có gì qua được trải nghiệm của bạn.

PCW vn