Lý do Apple đòi Samsung bồi thường 2 tỷ USD

Chưa hài lòng với con số 1 tỷ USD trong phiên tòa đầu tiên, Apple tiếp tục đòi tiền bản quyền cho những bằng sáng chế mà họ cáo buộc Samsung đã sử dụng trái phép trên hơn 37 triệu điện thoại.

Phiên tòa giữa Apple và Samsung tại tòa án San Jose, California (Mỹ) đã bước sang ngày thứ hai. Hãng công nghệ Mỹ chờ đợi phán quyết buộc Samsung phải trả họ 40 USD cho mỗi chiếc điện thoại xâm phạm bản quyền được bán ra. “Số tiền thiệt hại cao là vì mức độ vi phạm của Samsung là rất lớn”, Harold McElhinny, luật sư Apple, giải thích.

Trong khi đó, luật sư John Quinn bên phía Samsung nói với quan tòa Lucy Koh rằng “Apple đang phóng đại và xúc phạm đến sự hiểu biết của bà”. Florian Mueller, một chuyên gia về bản quyền, cũng cho rằng đòi hỏi của Apple là “kỳ cục”. Với 5 bằng sáng chế bị sử dụng trái phép, Apple đòi bồi thường 2 tỷ USD trong khi Samsung chỉ đòi 7 triệu USD cho 2 bằng sáng chế về truyền tải video từ xa và về ảnh số mà họ tin là Apple đang vi phạm.

Luật sư hai bên dự kiến sẽ vẫn đưa ra những luận điểm giống ở phiên tòa hồi tháng 8/2012. Dù khác nhau về các bằng sáng chế và thiết bị được đề cập, phiên tòa mở màn cũng như lần đầu tiên khi Harold McElhinny hỏi bồi thẩm đoàn: “Các ngài ở đâu vào ngày 9/1/2007?”. Ông chiếu video giới thiệu iPhone trong sự kiện Macworld Expo 2007 với tính năng nổi bật: trượt để mở khóa nhằm ngăn việc vô tình bấm vào nút gọi khi để máy trong túi quần.

“Ngay khi iPhone được bán ra, Samsung lập tức nhận ra hai điều: Thứ nhất, iPhone đang gây bão toàn cầu, người tiêu dùng yêu mến nó, iPhone và sau này là iPad liên tục bán hết veo trên các kệ hàng. Thứ hai là Samsung đơn giản không thể có được một sản phẩm đủ sức cạnh tranh như vậy”, McElhinny nhấn mạnh.

Cáo buộc của Apple dựa trên các tài liệu nội bộ của Samsung, trong đó các kỹ sư của hãng Hàn Quốc thường xuyên tham khảo iPhone khi bàn bạc về các tính năng sẽ có mặt trên điện thoại mới của họ. Trong một tài liệu về lộ trình phát triển giao diện người dùng, Samsung dường như đã “cắt – dán” một đồ họa từ website của Apple để xây dựng hệ thống nhận diện số điện thoại, địa chỉ e-mail và cung cấp menu theo ngữ cảnh.

Luật sư của Samsung cũng nắm trong tay những tài liệu mật của Apple, như e-mail từ năm 2010 của Steve Jobs đề cập đến “cuộc thánh chiến” (2011 Holy War) chống lại Android, trong đó liệt kê các phần mà Apple đang bị Android vượt mặt như kết nối thiết bị với máy tính, đồng bộ dữ liệu dựa trên điện toán đám mây… “Apple đang có nguy cơ mắc kẹt trong thế giới cũ quá lâu”, Jobs viết.

Do đó, John Quinn cho rằng phiên tòa này diễn ra chỉ bởi vì Android quá thành công và Apple cảm thấy bị đe dọa. Một số tính năng đã được sử dụng rộng rãi trên nhiều dòng điện thoại Android, nên chiến thắng của Apple (nếu xảy ra) sẽ khiến Android phải thay đổi và trở thành bàn đạp cho Apple thực hiện các vụ kiện tiếp theo.

Đối với Apple, vụ kiện không đơn giản là vì tiền. Họ đạt gần 200 tỷ USD doanh thu hàng năm và hiện có hàng chục tỷ USD tiền mặt. Họ không cần tốn ngần ấy thời gian và công sức để ra tòa đòi 2 tỷ USD. Thứ họ cần là một sự công nhận rằng các kỹ sư của họ đã phát minh lại smartphone.

Thị phần của Apple bị ảnh hưởng đáng kể sau thành công của Android và Samsung

Steve Jobs, CEO quá cố của Apple, tin rằng Google và các đối tác đã sao chép hầu hết các tính năng trên iOS và kiểu dáng của iPhone, nên ông thề tiến hành cuộc chiến chống lại Android và Google. Samsung là hãng sản xuất điện thoại Android lớn nhất với hơn 50% thị phần nên “được chọn” trở thành trung tâm của vụ kiện vì nếu loại bỏ được Samsung, hệ sinh thái Android sẽ yếu đi đáng kể.

Tuần trước, Apple cho phép kỹ sư Greg Christie, một trong những tác giả của bằng sáng chế Slide to Unlock, công khai kể về quá trình làm việc đầy áp lực và tỉ mỉ của họ để cho ra đời những tính năng đáp ứng được những tiêu chuẩn rất khắt khe của Steve Jobs. Apple muốn truyền tải thông điệp: Họ rõ ràng đã phát minh ra công nghệ đó.

Ở góc độ khác, một số chuyên gia công nghệ cho rằng hệ thống bản quyền của Mỹ đang có vấn đề. Không ít bằng sáng chế được cấp những năm gần đây quá chung chung hoặc quá hiển nhiên, rồi sau đó bị bên giữ bằng sáng chế lợi dụng để ngăn các đối thủ cạnh tranh gia nhập thị trường.

Theo: VNE