Nếu như thị trường Internet Việt Nam 10 năm trở lại đây chủ yếu chứng kiến làn sóng nội địa hóa các trào lưu của thế giới thì nay, các doanh nghiệp Internet lại âm thầm mở những lối đi riêng.
Làm một tổng kết nhỏ, chúng ta sẽ thấy hơn 10 năm trở lại (từ 2000 đến nay) hầu hết các sản phẩm Internet tại Việt Nam được tạo ra theo trào lưu sao chép từ làn sóng quốc tế. Các sản phẩm khi vừa thành công trên thế giới thường sẽ có ít nhất 20-30 phiên bản tại Việt Nam.
Việc sao chép này diễn ra một cách máy móc và gần như nhắm mắt làm sản phẩm trước khi kịp nghĩ cách vận hành và kiếm tiền. Kết quả chung của các sản phẩm như vậy hầu như không thể tồn tại lâu dài.
10 năm chạy theo thế giới
Những trường hợp đem chuông người về đánh xứ ta không thành công có thể kể đến Cyworld.vn (phiên bản tiếng Việt của Cyworld.co.kr, mạng xã hội được 95% dân số lứa tuổi từ 18-30 của Hàn Quốc sử dụng), Zing Chat (phiên bản của QQ Chat).
Bên cạnh đó là mạng liên kết Orkut (một trong những sản phẩm hiếm hoi được Google quảng bá rộng rãi tại Việt Nam) và Yahoo! Plus, người thừa kế gia tài bloggers khổng lồ của Yahoo! 360o.
Sự ra đời của những diễn đàn và báo điện tử lớn vào đầu những năm 2000 có thể xem đã đánh dấu sự ra đời của thị trường Internet Việt Nam. Diễn đàn và cũng là một tờ báo không chính thức nổi tiếng nhất thời điểm đấy là diễn đàn Trí Tuệ Việt Nam (tiền thân của Trái Tim Việt Nam Online – ttvnol.com) với hơn 1 triệu thành viên.
Tiếp theo đó là sự ra đời của những tờ báo thuần mạng (không có bản in) là Vnexpress.net, Vietnamnet và Dantri. Đối chiếu với thế giới, lúc đó cũng là thời điểm bùng nổ của những website tin tức như Yahoo! News hay MSN.
Sau thị trường báo và diễn đàn là các trào lưu về giải trí như nghe nhạc online và chơi game. Năm 2003 đánh dấu sự ra đời của hàng loạt trang nghe nhạc lớn như Yeuamnhac.com và Nhacso.net. Năm 2004, VinaGame (tiền thân của VNG) mang về Võ Lâm Truyền Kỳ, game online chính thức đầu tiên của Việt Nam.
Nhưng nóng nhất chính là làn sóng mạng xã hội, bắt đầu với sự bùng nổ của Yahoo! 360o (2004-2007). Sau khi Yahoo! 360o đóng cửa và Yahoo! Plus thất bại trong việc thừa hưởng nền tảng người dùng, hàng loạt mạng nội địa xuất hiện.
Lúc đó, hai mạng xã hội đình đám nhất trên thế giới là Myspace (Mỹ) và Cyworld. Khi đó, tại Việt Nam có hai nhóm mạng xã hội: thuần nội dung (blog) gồm có Yobanbe, Yume và mạng tích hợp chức năng gồm có mạng nghe nhạc YAN 2.0 và Cyworld.vn.
Song song với trào lưu mạng xã hội là trào lưu thương mại điện tử với sự ra mắt của Vatgia, Chodientu bên cạnh những trang kinh doanh trực tuyến gạo cội như 5giay, 123mua. Đi kèm với thương mại điện tử là các công ty thanh toán trực tuyến như MX, Vinapay, Mobivi, Nganluong.
Giai đoạn 2008-2011 là thời kỳ của trào lưu cộng đồng “ngách”. Có thể nhắc đến Tinhte.vn trong mảng điện thoại, máy tính xách tay, Webtretho trong mảng mẹ và bé, Otosaigon trong mảng xe hơi và đình đám nhất là IDG Venture đầu tư vào Noi.vn (mạng xã hội hẹn hò).
Mô hình thay cho sản phẩm
Sau hơn 10 năm phát triển, đã xuất hiện những công ty đủ kinh nghiệm hay những tập đoàn nước ngoài đang toan tính những bài toán dài hơi hơn trên thị trường Internet Việt Nam.
Những thất bại triệu đô như Timnhanh, Cyworld đã một lần nữa khẳng định lại một điều: bất kỳ sản phẩm nào muốn tồn tại đều phải phù hợp với tâm lý và hành vi người tiêu dùng Việt Nam. Xa hơn nữa là phải phù hợp với mô hình kinh doanh và chuỗi giá trị của công ty chủ quản. Những trường hợp đầu tư ra ngoài giá trị lõi của doanh nghiệp đều ít nhiều gặp khó khăn và cũng có không ít thất bại, như trường hợp Zing Deal của VNG.
Vì vậy, cụm từ thường được nhắc đến trong thị trường Internet hiện nay là “mô hình kinh doanh” hơn là “sản phẩm”. Xét về mô hình kinh doanh thì VC Corp đang là hình mẫu với hệ sinh thái sản phẩm trải dài (hơn 55 sản phẩm đang chạy, trong đó nhiều sản phẩm đang đứng đầu thị trường ngách) và nguồn thu đa dạng (từ người dùng, quảng cáo hay các mảng khác).
Thương mại điện tử vẫn là một mảng đầy tiềm năng với sự tham gia của Rocket Internet, MJ Group (công ty sở hữu diadiem.com và Nhommua.com), VNG, VC Corp hay cả những nhà bán lẻ truyền thống là Nguyễn Kim, Thế Giới Di Động và sắp tới là FPT Online và FPT Trading.
Trong khi Rocket Internet khuấy động thị trường với 2 sản phẩm là Zalora (thời trang cao cấp) và Lazada (đồ điện tử, gia dụng và mỹ phẩm) thì MJ Group lặng lẽ thử nghiệm Zap.vn (bán đồ điện tử), VNG làm lại 123mua.vn với thương hiệu mới là 123.vn còn FPT Online chuẩn bị ra mắt Sendo.vn.
Về trào lưu mua theo nhóm (groupon), các công ty trong top 5 (nhommua, cungmua, muachung, hotdeal và cucre) tập trung nhiều vào việc tối ưu hóa bộ máy vận hành. Muachung.vn (thuộc VC Corp) và Hotdeal.vn (thuộc Vinabook) đang xem xét việc chuẩn hóa bộ phận giao nhận và cung cấp dịch vụ ra bên ngoài, như một động thái để cắt giảm chi phí vận hành. Nhommua với đội ngũ marketing hơn 50 người đang tiến đến việc chia sẻ nguồn lực này cùng các công ty anh em: Zap.vn (bán hàng điện tử) và Hungry.vn (đặt thức ăn online).
Tối ưu hóa nguồn lực và tăng hiệu quả quảng cáo cũng là mảng được các công ty đa sản phẩm như VC Corp hay FPT Online quan tâm. Admicro, đơn vị bán quảng cáo của VC Corp, liên tục đưa ra các định dạng quảng cáo mới dựa trên số lần hiển thị hay số lần click chuột. FPT Online cũng chuẩn bị trình làng hệ thống quảng cáo liên thông Eclick như một đối trọng với Admicro.
Nhiều dự án và sản phẩm đã và đang được thai nghén, những cơ hội mới được mở ra. Tuy nhiên, đau đầu nhất là vấn đề nhân sự. Tại một buổi hội thảo, ông Lê Hồng Minh, Giám đốc VNG và ông Vũ Hồng Quang, đại diện miền Nam của VC Corp, cũng chia sẻ quan điểm rằng họ cũng như đa số các công ty Internet khác sẽ tập trung vào mảng phục vụ người dùng cuối, chứ không tập trung vào mảng phục vụ doanh nghiệp. Lý do được đưa ra là sẽ tận dụng tốt hơn những nhân sự có chất lượng để tạo ra sản phẩm đại chúng, trong khi thiếu hụt nhân sự am hiểu về tiếp thị số.
Tóm lại, có thể dự đoán thị trường Internet Việt Nam năm 2012 và sắp tới sẽ không còn thị trường một người thắng, mà sẽ phân chia thành nhiều thị trường ngách. Thấp thoáng đã thấy những sản phẩm tiếp thu có chọn lọc như giaytot.com, biaki.com, tiki.vn. Điều đó cũng mang lại ít nhiều hy vọng về sự phát triển một sản phẩm chuyên biệt cho người Việt.
VNeconomy