Người dùng có thể thoải mái sử dụng Gmail mà không mất tiền, song kỳ thực, Gmail và các dịch vụ email khác không hề miễn phí.
Dịch vụ email nổi tiếng của Google vừa bước sang tuổi thứ 10 vào ngày 1/4/2014. Người dùng có thể mở tài khoản Gmail và sử dụng miễn phí song Google lại đang kiếm tiền từ Gmail bằng cách khác: thông qua kho thông tin cá nhân khổng lồ của hơn 50 triệu người dùng. Nói dễ hiểu, Google trao cho khách hàng dịch vụ email mạnh mẽ, đổi lại, công ty muốn hiển thị quảng cáo cùng email và quét nội dung để quyết định quảng cáo nào liên quan nhất.
“Không có bữa ăn nào miễn phí”
Gmail tìm kiếm từ khóa xác định chủ đề câu chuyện dựa vào nhiều yếu tố như tần suất, bối cảnh rồi hiển thị quảng cáo liên quan. Ví dụ, email qua lại nói về lớp học thể dục, quảng cáo về sản phẩm giảm cân sẽ hiện ra.
Dữ liệu thu thập được cũng được dùng để tạo tài khoản người dùng cho mục đích quảng cáo tương lai. Điều nhiều người dùng không biết là các công ty như Google có thể tạo ra một hồ sơ hoàn chỉnh về mỗi người dựa trên thông tin từ nhiều sản phẩm khác nhau như tìm kiếm, bản đồ, email, G+.
Không có gì là cho không. Khi mọi người gửi và nhận tin nhắn qua dịch vụ email miễn phí, họ đang chia sẻ chi tiết về sở thích, kết nối, tài chính. Thông tin đó không thể hiện ở bề mặt song khi được chiết xuất và tổ chức lại, nó là món hàng vô giá với nhà tiếp thị và quảng cáo.
Quảng cáo mục tiêu dựa trên dữ liệu người dùng là mô hình kinh doanh chủ đạo của nhiều hãng công nghệ, dù đó là Google, Microsoft hay Yahoo. Đây cũng là cách mạng xã hội Facebook, công cụ tìm kiếm Bing hay hàng loạt ứng dụng kiếm tiền. Tất yếu, nhiều vụ kiện có nội dung như nhau xảy ra hàng ngày.
Bất kỳ công ty nào thu thập thông tin cá nhân đều khẳng định những gì họ làm đều tuân thủ với luật bảo vệ quyền riêng tư. Chúng thể hiện ở chính sách quyền riêng tư, điều kiện và điều khoản sử dụng dài dằng dặc mà hiếm người nào đọc hết trước khi nhấn vào nút “đồng ý”.
Hành động pháp lý
Khi Gmail xuất hiện năm 2004, dịch vụ “chơi bài ngửa” về việc hiển thị quảng cáo theo ngữ cảnh của chủ đề email. Dù vậy, mọi người vẫn chấp nhận vì chất lượng tốt, bộ nhớ thoải mái và lọc tin nhắn rác xuất sắc. Đã thế, Gmail còn miễn phí.
Tuy nhiên, vấn đề là không phải ai cũng đồng tình với chính sách của Google. Một nhóm các nguyên đơn trong vụ kiện dân sự gần đây lại không phải người dùng Gmail nhưng gửi tin nhắn đến tài khoản Gmail. Google đáp trả những người không dùng Gmail không thể đòi hỏi về quyền riêng tư khi gửi email tới người đang dùng dịch vụ. Google biện hộ chương trình quét email là tự động và do máy tính chọn ra từ khóa, nhân viên Google không đọc email của họ. Nó cũng là cần thiết để cắt giảm lượng thư rác và thư kèm virus, cũng như phục vụ các tính năng Hộp thư ưu tiên…
Thẩm phán liên bang kết luận không thể xử lý theo hình thức vụ kiện dân sự vì các nhóm này không đủ gắn kết. Google có thể thở phào vì nếu phán quyết ngược lại, hãng có thể mất hàng nghìn tỷ USD thiệt hại.
Bức tranh toàn cảnh đang thay đổi
Năm 2014, quy định về thu thập thông tin người dùng còn lỏng lẻo. Song, bức tranh toàn cảnh đã thay đổi mạnh mẽ trong 10 năm qua. Vài bang của Mỹ thông qua luật hạn chế sử dụng dữ liệu cá nhân, trong khi Ủy ban Thương mại Liên bang đang chủ động hơn trong việc xử lý các vụ vi phạm quyền riêng tư. Dù thế nào, người dùng vẫn nên cân nhắc về cái giá phải trả khi sử dụng các dịch vụ email miễn phí như Gmail đối với quyền riêng tư của mình.
Theo: ICT